Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Kỷ niệm ngày thành lập Công an nhân dân Việt Nam (19-8-1945 - 19-8-2013) : Hồi ức của một vị tướng


(CATP) Là tư lệnh trại giam phía nam (từ Thanh Hóa đến Cà Mau), dấu chân thiếu tướng Hồ Thanh Đình - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an) - in đậm tại hàng chục trại giam. Gần cả cuộc đời của vị tướng người Quảng Bình luôn gắn bó với công tác giáo dục phạm nhân.

PHẠM NHÂN CŨNG LÀ NGƯỜI 

Giai đoạn 1993 - 1995, ông Đình là Phó giám thị Trại giam Z30D (huyện Hàm Tân, Bình Thuận). Khi xảy ra cháy tại một khu rừng giáp với trại giam, mặc dù bị cấp dưới ngăn cản nhưng ông vẫn chạy vào rừng cứu được nhiều người, trong đó có phạm nhân tên Nguyên thụ án 18 năm, hai người còn lại do lâu quá ông không thể nhớ tên. Đưa phạm nhân ra khỏi ngọn lửa, ông Đình dùng xe máy chở từng người đi cấp cứu ở bệnh xá. Ông cầm lái, một phạm nhân ngồi giữa, một quản giáo ngồi sau cùng đi. Nhưng vết thương quá nặng, anh Nguyên không qua khỏi, hai phạm nhân còn lại thì sống. Lợi dụng tình hình, phạm nhân Châu Phú trốn trại vào buổi trưa cùng ngày. Giữa đám khói đen kịt, bà hỏa hung hãn đang xâm chiếm nhà giam, nghe Phó giám thị Đình hét to: “Bằng mọi cách phải cứu phạm nhân. Phạm nhân cũng là người”, hắn bò ra khỏi nơi trốn. Sau đó hắn mới tự nhận là trốn trại. Tình cờ một lần, một cô gái đến thăm người thân thì gặp Châu Phú. Thời gian sau, họ nên duyên vợ chồng nhưng đám cưới thiếu chú rể vì Phú vẫn đang thụ án.

Năm 2000, trong lúc đi thăm tù, ông Đình nghe quản giáo tên Thủy kể, vợ phạm nhân Hải đến thăm chồng nhưng họ cự cãi ầm ĩ trong tù vì chồng làm mất mặt cả gia đình, dòng họ. Là trưởng phòng kế hoạch của một nhà máy giấy, nhà ở quận Bình Thạnh, ông Hải bị gài “quan hệ” với một em nhỏ 16 tuổi, bị tù 14 năm vì tội hiếp dâm trẻ em. Ông Đình gặp riêng phạm nhân Hải rồi lát sau gặp vợ ông ta. Sau khi mời người nhà phạm nhân uống trà, ông Đình khuyên giải người vợ: “Con chị cần có cha, chị nên cho anh ấy cơ hội. Ai cũng có lỗi lầm. Trời tối rồi, không còn xe để về thành phố, chị cứ ở lại, tôi sẽ bố trí phòng nghỉ. Sáng mai chị muốn gặp chồng nữa tôi sẽ cho cán bộ đưa vào”. Sáng hôm sau, khi được vào thăm chồng lần nữa, ông Đình thấy bà vợ tủm tỉm cười. Lần đó, ông Đình đã cứu được cả một gia đình, phạm nhân Hải an tâm cải tạo, vợ con ông thì đợi chờ ông về. Năm 2005, ông Hải được đặc xá. Khi ông Đình về làm Cục phó Cục Quản lý trại giam thì một lần nọ, đại tá Phùng Thiên Tân - Phó giám đốc Nhà xuất bản CAND (nay là giám đốc) - mời ông Đình đi ăn buffet. 5 giờ chiều 1-1-2007, đại tá Tân ra đón ông Đình. Khi vào trong phòng ăn, cả gia đình ông Hải gồm vợ chồng, con cái ôm lấy ông Đình vì đó là ân nhân, làm hồi sinh một gia đình đang có nguy cơ tan vỡ. Hóa ra, thông qua nhà văn Phùng Thiên Tân, ông Hải đã dò hỏi vị ân nhân ngày xưa đang ở đâu và tình cờ được biết ông Đình là bạn ông Tân.



Thiếu tướng Đình (bìa trái) đang kiểm tra hồ sơ đặc xá


CẤP DƯỚI YÊU THƯƠNG

Trong thời gian làm giám thị ở Z30D, trước mùa Tết hàng năm, ông Đình đích thân ra Hà Nội chọn lịch. Nền lịch phải có chữ tâm, nhũ vàng. Về điều này, ông ôn tồn giải thích cho cấp dưới: “Phải có chữ tâm thì mới có tất cả. Phải làm bằng lương tâm, trách nhiệm”. Các loại đối tượng trong tù thường mong muốn mua chuộc quản giáo bằng vật chất hoặc mánh khóe. Vì vậy cán bộ trại giam nếu có tâm thì sẽ không bị sa ngã. Muốn vậy, lãnh đạo phải chăm lo đời sống cho cấp dưới. Cán bộ từ cấp úy của trại giam được cấp xe máy, được cấp xăng dầu. Khi đó, bộ quy định cán bộ phải có bằng đại học mới được lên cấp tá, không thì về hưu sớm. Nhờ áp dụng quy định của khu vực 3 là địa bàn khó khăn, áp dụng hệ số tại hai khu vực là K7 và K9 nhiều cán bộ tốt nghiệp trung cấp, mang hàm đại úy, đang ăn lương cấp tá được đeo lon cấp tá, công tác thêm năm năm, tránh lãng phí nguồn cán bộ cho Nhà nước. Cuối năm 2005, ông Đình lên làm cục phó, được điều động ra Hà Nội rồi Tây nguyên, trước khi về “tổng hành dinh” tại TP.Hồ Chí Minh. Nhớ ơn ông, nhiều cán bộ cấp dưới đã giữ ông nán lại thêm vài ngày.

Ở Z30D, khi làm đền Hùng, ông Đình giao cho từng phân trại, làm từ đầu năm 1998 đến cuối năm thì xong. Cán bộ, phạm nhân cùng vác đá, vác cát để khởi công. Sau công trình này trại giam còn làm khu tưởng niệm ba nữ anh hùng liệt sĩ công an. Ông Đình phải ra Hà Nội lấy mẫu đúc tượng được duyệt, mang về tận Z30D, làm ba nơi thờ tự trên một ngọn đồi. Tháng 8-2005, sau khi được nhận danh hiệu anh hùng, ông Đình nhờ phân trại 4 làm con đường nhựa dẫn lên đồi. Đền Hùng lúc trước dành cho đội tự quản, đội trưởng, đội phó phạm nhân được lên dâng hương còn dân trong khu vực đến ngày mồng 10-3 (giỗ Tổ Hùng Vương) thì đến cúng bái. “Năm 1996, trong một lần lên thăm đền Hùng tôi nảy ra ý định làm một đền thờ kiểu như đền Hùng tại Z30D vì nhiều cán bộ chiến sĩ trại giam, người dân ở phía nam chưa biết đền Hùng. Tôi phải đo từng khung cửa theo khuôn mẫu nhưng đền Hùng ngoài Bắc thì cây cối tốt hơn, đồi rộng hơn” - ông Đình kể.

ĐẬP TAN ÂM MƯU ĐEN TỐI

Cuối tháng 6 vừa qua, khoảng 40 phạm nhân đã làm mất trật tự tại phân trại 1, Trại giam Z30A (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai), ông đã có mặt để ổn định tình hình. Chuyện này báo chí đã đăng.

Một số trang mạng hải ngoại chĩa “mũi dùi” vào dư luận trong nước, cho rằng đó là cuộc bạo loạn của phạm nhân. Tuy nhiên, thiếu tướng Đình khẳng định, không có chuyện bạo loạn vì bạo loạn là phải dùng vũ khí còn đây chỉ là hành vi quá khích của một số phạm nhân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét